Bồ Đào Nha – Portugal, tên chính thức là Cộng hòa Bồ Đào Nha là một quốc gia nằm ở phía Tây Nam của khu vực châu Âu, trên bán đảo Iberia, cực Tây của châu Âu lục địa. Bồ Đào Nha giáp với Đại Tây Dương ở phía Tây và phía Nam, giáp Tây Ban Nha ở phía Đông và phía Bắc. Các quần đảo Açores và Madeira ở ngoài khơi Đại Tây Dương cũng thuộc quyền quản lý của Bồ Đào Nha.
Nhà nước Bồ Đào Nha hiện đại sở hữu một nền kinh tế tiên tiến với mức thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người (HDI) và tiêu chuẩn sinh hoạt rất cao. Đây là quốc gia có Chỉ số hòa bình toàn cầu cao thứ 3 trên thế giới vào năm 2016 và là một trong 13 quốc gia bền vững nhất vào năm 2017. Bồ Đào Nha duy trì hình thức chính phủ Cộng hoà bán tổng thống nhất thể, là thành viên sáng lập của NATO, Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha và nhiều tổ chức quốc tế khác như Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Khu vực đồng euro, và OECD.
Nguồn gốc tên gọi
Tên gọi Portugal bắt nguồn từ tên của làng Cale ở thung lũng sông Douro. Cale có thể là một từ của tiếng Hy Lạp (Kalles: đẹp) và dùng để chỉ vẻ đẹp của tự nhiên ở vùng miền bắc của nước Bồ Đào Nha ngày nay, thuộc địa của Hy Lạp trong thời kỳ Thượng cổ. Những nhà lịch sử học khác cho rằng cale có nguồn gốc từ tiếng Phoenicia vì người Phoenicia đã định cư ở Bồ Đào Nha trước cả người Hy Lạp. Khi phần đất của Bồ Đào Nha ngày nay thuộc về Đế quốc La Mã, Cale trở thành một cảng quan trọng, trong tiếng La Tinh là Portus Cale.
Còn trong tiếng Việt từ Bồ Đào Nha được phiên âm Hán Việt của từ “葡萄牙” đọc là “Pútáoyá”.
Lịch sử
Lịch sử Bồ Đào Nha có thể được bắt nguồn từ khoảng 400.000 năm trước, khi khu vực Bồ Đào Nha ngày nay có người Homo heidelbergensis sinh sống. Hóa thạch lâu đời nhất của con người là hộp sọ được phát hiện trong hang động Aroeira ở Almonda. Sau đó, người Neanderthal đã lang thang trên phía bắc bán đảo Iberia. Homo sapiens đến Bồ Đào Nha khoảng 35.000 năm trước.
Năm 1986, Bồ Đào Nha gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tổ chức này sau đó trở thành Liên minh châu Âu (EU). Trong những năm sau, kinh tế Bồ Đào Nha tiến triển đáng kể nhờ kết quả từ các quỹ cấu trúc và gắn kết của EEC/EU và việc các công ty Bồ Đào Nha dễ dàng hơn trong tiếp cận các thị trường nước ngoài. Lãnh thổ hải ngoại cuối cùng của Bồ Đào Nha là Macao được chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1999. Năm 2002, Bồ Đào Nha chính thức công nhận Đông Timor độc lập.
Ngày 26 tháng 3 năm 1995, Bồ Đào Nha bắt đầu áp dụng các quy tắc Khu vực Schengen, loại bỏ kiểm soát biên giới với các thành viên Schengen đồng thời củng cố biên giới các quốc gia khác.
Địa lý
Bồ Đào Nha là quốc gia ven biển tại tây nam châu Âu, tại cực tây của bán đảo Maderia, giáp với Tây Ban Nha về phía bắc và đông, đường biên giới dài 1.214 km. Lãnh thổ Bồ Đào Nha còn bao gồm các quần đảo trên Đại Tây Dương (Açores và Madeira), với vị trí chiến lược. Cực nam của đại lục Bồ Đào Nha nằm không xa lối vào Địa Trung Hải là eo biển Gibraltar. Tổng diện tích của Bồ Đào Nha là 91.470 km² mặt đất và 620 km² mặt nước. Bồ Đào Nha có nhiều sông chảy qua, chúng bắt nguồn từ Tây Ban Nha. Hầu hết các sông chảy từ tây sang đông để đổ vào Đại Tây Dương; từ bắc xuống nam các sông chính là Minho, Douro, Mondego, Tejo và Guadiana.
Khí hậu
Bồ Đào Nha có khí hậu Địa Trung Hải và là một trong các quốc gia châu Âu ấm nhất với nhiệt độ trung bình năm tại Bồ Đào Nha dao động từ 8-12°C tại vùng nội địa nhiều núi phía bắc và từ 16-18°C tại phía nam và tại lưu vực sông Guadiana. Tuy nhiên, có khác biệt giữa vùng cao và vùng thấp, dẫn đến có nhiều đới khí hậu sinh vật khác nhau tại Bồ Đào Nha.
Hai quần đảo Açores và Madeira đều có khí hậu cận nhiệt đới, song tồn tại khác biệt giữa các đảo, khiến dự báo khí hậu rất khó khăn. Madeira và Açores có biến thiên nhiệt độ thấp, và nhiệt độ trung bình năm vượt 20°C dọc theo bờ biển. Một số đảo tại Açores có các tháng khô hạn hơn vào mùa hè. Quần đảo Selvagens là lãnh thổ cực nam của Bồ Đào Nha, được phân loại là thuộc khí hậu hoang mạc với lượng mưa trung bình năm khoảng 150 mm. Nhiệt độ mặt nước biển quanh các quần đảo dao động từ 17-18°C vào mùa đông, đến 24-25°C vào mùa hè.
Chính trị
Bồ Đào Nha là một nước cộng hoà dân chủ đại nghị bán tổng thống kể từ khi phê chuẩn hiến pháp năm 1976. Hiến pháp phân chia quyền lực giữa bốn cơ cấu là Tổng thống, Chính phủ, Nghị viện và Toà án. Bồ Đào Nha có thể chế đa đảng, cạnh tranh trong lập pháp và hành pháp ở các cấp quốc gia, khu vực và địa phương. Nghị viện Bồ Đào Nha cùng các cơ quan lập pháp khu vực và địa phương nằm dưới quyền chi phối của hai chính đảng là Đảng Xã hội (PS) trung-tả và Đảng Dân chủ Xã hội (PSD) trung-hữu, ngoài ra còn có Liên minh Dân chủ Đoàn kết (Đảng Cộng sản và Đảng Sinh thái “Xanh”), Khối cánh Tả, và Đảng CDS – Nhân dân.
Hệ thống hành chính
Bồ Đào Nha được phân chia thành 308 khu tự quản, sau một cải cách vào năm 2013 chúng được chia tiếp thành 3.092 giáo xứ dân sự. Đại lục Bồ Đào Nha được phân thành 18 tỉnh, còn các quần đảo Açores và Madeira là các vùng tự trị. 18 tỉnh tại đại lục Bồ Đào Nha là: Aveiro, Beja, Braga, Bragança, Castelo Branco, Coimbra, Évora, Faro, Guarda, Leiria, Lisboa, Portalegre, Porto, Santarém, Setúbal, Viana do Castelo, Vila Real và Viseu – tên của các tỉnh được đặt theo thủ phủ.
Trong hệ thống NUTS Liên minh châu Âu, Bồ Đào Nha được phân thành bảy khu vực: Açores, Alentejo, Algarve, Centro, Lisboa, Madeira và Norte, và ngoại trừ Açores cùng Madeira, các khu vực NUTS được phân thành 28 phân vùng.
Kinh tế Bồ Đào Nha
Kinh tế Bồ Đào Nha là một nền kinh tế thị trường. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2005, được xuất bản bởi Diễn đàn kinh tế thế giới, xếp Bồ Đào Nha đứng thứ 22, đứng trước nhiều nước như Tây Ban Nha, Ireland, Pháp, Bỉ, Hồng Kông và Thổ Nhĩ Kỳ. Về chỉ số công nghệ, Bồ Đào Nha xếp thứ 20 và chỉ số Thể chế công cộng xếp thứ 15.
Các lĩnh vực công nghiệp chính là: dầu tái chế, hóa dầu, xi măng, ô tô và đóng tàu, điện và điện tử, máy móc, giấy, sợi dệt, quần áo, lông, đồ đạc, gốm, thực phẩm. Ngành chế tạo chiếm 33% xuất khẩu. Bồ Đào Nha là nước đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất Vonfam và đứng thứ 8 về sản xuất rượu vang.
Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng nhanh, tạo ra 66% GDP và cung cấp việc làm cho 52% dân số lao động. Tỉ lệ tăng trưởng đáng kể nhất là lĩnh vực thương mại, do đưa vào các phương tiện hiện đại phục vụ cho vận chuyển, phân phối và viễn thông. Dịch vụ tài chính cũng có nhiều ích lợi nhờ việc tư nhân hóa, đóng góp có hiệu quả. Du lịch được phát triển, tạo ra khoảng 5% tổng sản phẩm.
Các nghiên cứu về mức sống của các Cơ quan tình báo kinh tế (EIU) xếp Bồ Đào Nha là nước đứng thứ 19 trên thế giới về chất lượng cuộc sống, xếp trên nhiều nền kinh tế phát triển khác như Pháp, Đức, Anh và Hàn Quốc.
Du lịch
Du lịch và lữ hành duy trì vị thế cực kỳ quan trọng tại Bồ Đào Nha. Quốc gia này cần phải tập trung vào sức hút phù hợp của mình, như du lịch y tế, tự nhiên và nông thôn trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ. Bồ Đào Nha nằm trong danh sách 20 quốc gia có nhiều du khách nhất thế giới theo số liệu năm 2013, đón tiếp trung bình 13 triệu du khách ngoại quốc mỗi năm Vào năm 2014, Bồ Đào Nha được USA Today bầu chọn là quốc gia châu Âu tốt nhất.
Nhân khẩu
Viện Thống kê Quốc gia Bồ Đào Nha (INE) ước tính dân số vào năm 2011 là 10.562.178 (trong đó 52% là nữ giới, 48% là nam giới). Theo một ước tính vào năm 2017, dân số quốc gia này là 10.294.289. Dân cư Bồ Đào Nha tương đối thuần nhất trong hầu hết lịch sử quốc gia, với một tôn giáo duy nhất (Công giáo La Mã) và một ngôn ngữ duy nhất góp phần vào sự thống nhất dân tộc và quốc gia này, sau khi trục xuất người Moor và người Do Thái. Một số lượng nhỏ các cộng đồng thiểu số kể trên được ở lại Bồ Đào Nha với điều kiện họ phải cải sang Công giáo, và sau đó họ được gọi là Mouriscos và Cristãos Novos. Sau năm 1772, phân biệt giữa những người Cơ Đốc cũ và mới bị bãi bỏ theo sắc lệnh.
Ngôn ngữ
Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức của Bồ Đào Nha, đây là một ngôn ngữ thuộc hệ Roman, có nguồn gốc từ khu vực nay là Galicia và miền bắc Bồ Đào Nha.
Giáo dục
Hệ thống giáo dục của Bồ Đào Nha được phân thành trước tuổi đi học (dưới 6 tuổi), giáo dục căn bản (9 năm, ba giai đoạn, bắt buộc), giáo dục trung học (3 năm, bắt buộc từ năm 2010), và giáo dục bậc cao (gồm giáo dục đại học và bách nghệ). Các trường đại học thường được tổ chức thành các khoa. Các học viện và trường cũng là tên gọi thông dụng cho các phân hiệu tự quản của các thể chế giáo dục bậc cao tại Bồ Đào Nha. Tỉ lệ biết chữ của người thành niên Bồ Đào Nha là 99%, tỷ lệ nhập học tiểu học là 100%.
Theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2015, học sinh Bồ Đào Nha có điểm cao hơn đáng kể so với trung bình của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – tiếng Anh: Organization for Economic Cooperation and Development; viết tắt: OECD) về đọc hiểu, toán học và khoa học, tương đương với mức của các học sinh Na Uy, Ba Lan. Kết quả PISA của học sinh Bồ Đào Nha liên tục được cải thiện, vượt qua một số quốc gia phương Tây phát triển cao khác như Hoa Kỳ, Áo, Pháp và Thuỵ Điển.
Y tế
Cư dân Bồ Đào Nha có tuổi thọ dự tính là 81,1 năm, xếp thứ 21 thế giới theo số liệu vào năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới.. Bồ Đào Nha có hệ thống y tế công cộng tốt thứ 12 thế giới vào năm 2000, xếp trên các quốc gia phát triển cao như Anh, Đức hay Thuỵ Điển Hệ thống y tế của Bồ Đào Nha có đặc điểm là cùng tồn tại ba hệ thống: Dịch vụ Y tế Quốc dân (Serviço Nacional de Saúde, SNS), chương trình bảo hiểm y tế xã hội đặc biệt cho các nghề nhất định (hệ thống phụ y tế), và bảo hiểm y tế tư nhân tự nguyện.
Văn hóa
Bồ Đào Nha đã phát triển một nền văn hoá đặc trưng, chịu ảnh hưởng từ nhiều nền văn minh khác nhau trên khắp Địa Trung Hải và lục địa châu Âu, hoặc được đưa đến khi Bồ Đào Nha có vai trò tích cực trong Thời đại Khám phá. Quỹ Calouste Gulbenkian được thành lập vào năm 1956 tại Lisboa. Trong các thập niên 1990 và 2000, Bồ Đào Nha hiện đại hoá cơ sở hạ tầng văn hoá công cộng, như Trung tâm văn hoá Belém tại Lisboa, Quỹ Serralves và Casa da Música tại Porto, cũng như các hạ tầng văn hoá công cộng mới như thư viện và phòng hoà nhạc đô thị trên khắp đất nước. Bồ Đào Nha có 15 di sản thế giới UNESCO tính đến năm 2013, xếp thứ tám tại châu Âu.