Giới thiệu đất nước Ireland

Ireland (Phiên âm: Ai-len) hay còn được gọi là Cộng hòa Ireland là một quốc gia có chủ quyền tại phía tây bắc của châu Âu, chiếm khoảng 5/6 diện tích đảo Ireland. Thủ đô và thành phố lớn nhất Cộng hòa Ireland là Dublin, thành phố nằm trên phần phía đông của đảo, có dân số vùng đô thị chiếm khoảng một phần ba trong số 4,75 triệu dân toàn quốc. Cộng hòa Ireland có biên giới trên bộ duy nhất với Bắc Ireland thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Bao quanh Cộng hòa Ireland là Đại Tây Dương, trong đó biển Celtic nằm về phía nam, eo biển Saint George nằm về phía đông nam, và biển Ireland nằm về phía đông. Đây là một nước cộng hòa nhất thể, theo thể chế nghị viện.

Ireland được xếp vào hàng 25 quốc gia thịnh vượng nhất thế giới theo GDP bình quân, và là quốc gia thịnh vượng thứ mười thế giới theo một xếp hạng vào năm 2015. Sau khi gia nhập EEC, Ireland ban hành một loạt chính sách kinh tế tự do, kết quả là tăng trưởng nhanh chóng. Quốc gia đạt được thịnh vượng đáng kể trong giai đoạn “Tiger Celtic” 1995-2007.

Ireland là một thành viên của Liên minh châu Âu và là thành viên sáng lập của Ủy hội châu Âu và OECD. Chính phủ Ireland theo chính sách trung lập về quân sự thông qua không liên kết, chính sách này có từ ngay trước Chiến tranh thế giới thứ hai, và Ireland sau đó không gia nhập NATO, song là một thành viên trong chương trình Quan hệ đối tác vì Hòa bình của NATO.

Nguồn gốc tên gọi

Tên gọi Ireland bắt nguồn từ tiếng Ireland cổ Eriu. Từ này lại có nguồn gốc từ tiếng Celt nguyên thuỷ *Iveriu (tương đương với Iwerddon trong tiếng Wales), nó cũng là nguồn gốc của từ Hibernia trong tiếng La Tinh. Iveriu bắt nguồn từ một gốc từ nghĩa là “béo, thịnh vượng.”

Trải qua nhiều tranh chấp, cuối cùng trong Hiệp định Good Friday năm 1998 (Good Friday Agreement), chính phủ Ireland từ bỏ yêu sách quyền tài phán với toàn đảo Ireland. Sau hiệp định, Anh Quốc chấp thuận và sử dụng tên gọi Ireland.

Lịch sử

Trong thời kỳ đồ sắt, một ngôn ngữ và văn hóa Celtic xuất hiện tại Ireland. Cách thức và thời điểm đảo Ireland bị Celtic hoá là đề tài tranh luận. Một quan điểm truyền thống có từ lâu là ngôn ngữ Celt, chữ viết Ogham và văn hoá Celt được đưa đến Ireland theo các làn sóng người Celt xâm chiếm hoặc di cư từ châu Âu lục địa. Thuyết này dựa theo Lebor Gabála Érenn, một tác phẩm giả sử học Cơ Đốc giáo Trung Cổ của Ireland, cùng với sự hiện diện của văn hóa, ngôn ngữ và đồ tạo tác Celt phát hiện được trên đảo. Theo thuyết này, có 4 cuộc xâm chiếm của người Celt tại Ireland. Đầu tiên được cho là là người Priteni, tiếp theo là người Belgae từ miền bắc Gaul và đảo Anh. Tiếp đó, các bộ lạc Laighin từ Armorica (nay là Bretagne của Pháp) được cho là xâm chiếm đảo Ireland và đảo Anh gần như đồng thời. Cuối cùng, người Milesia (người Gael) được cho là đến Ireland từ miền bắc Iberia hoặc miền nam Gaul.

Tháng 12 năm 1921, Hiệp định Anh-Ireland được ký kết giữa Chính phủ Anh và các đại biểu của nghị viện Ireland khoá II. Hiệp định trao cho Ireland độc lập hoàn toàn trong nội vụ và độc lập thực tế trong chính sách ngoại giao, song có một điều khoản lựa chọn không tham gia, cho phép Bắc Ireland duy trì là bộ phận của Vương quốc Liên hiệp. Ngoài ra, nó còn yêu cầu tuyên thệ trung thành với quốc vương. Bất đồng về các điều khoản này dẫn đến phân liệt trong phong trào dân tộc và sau đó là nội chiến giữa tân chính phủ của Nhà nước Tự do Ireland và phái phản đối hiệp định do Éamon de Valera lãnh đạo. Nội chiến kết thúc vào tháng 5 năm 1923 khi Éamon de Valera ban hành lệnh đình chiến.

Giới thiệu nước Ireland

Chính trị

Về chính trị, đảo Ireland bị phân chia giữa Cộng hoà Ireland độc lập và Bắc Ireland thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh. Hai thực thể có biên giới mở và đều nằm trong Khu vực đi lại chung. Cộng hoà Ireland và Anh Quốc đều là thành viên của Liên minh châu Âu, do đó được tự do di chuyển về con người, hàng hoá, dịch vụ và vốn qua biên giới.

Cộng hoà Ireland là một quốc gia dân chủ đại nghị dựa theo mô hình Anh, có hiến pháp thành văn và một tổng thống do dân chúng bầu ra, song tổng thống có quyền lực hầu như mang tính nghi lễ. Người đứng đầu chính phủ là thủ tướng (Taoiseach), do tổng thống bổ nhiệm theo đề cử của hạ nghị viện (Dáil). Các thành viên trong chính phủ do hạ nghị viện và thượng nghị viện (Seanad) lựa chọn. Thủ đô của Cộng hòa Ireland là Dublin.

Bắc Ireland có cơ quan hành pháp và lập pháp địa phương, thi hành quyền lực được Anh phân quyền. Đứng đầu cơ quan hành pháp là bộ trưởng thứ nhất và thứ trưởng thứ nhất, còn các bộ trưởng được phân bổ theo tỷ lệ đại biểu của mỗi đảng trong nghị hội. Thủ đô Bắc Ireland là Belfast. Quyền lực chính trị tối hậu thuộc về Chính phủ Anh, Chính phủ Anh từng có các giai đoạn cai trị trực tiếp Bắc Ireland. Bắc Ireland được phân 18 ghế trong số 650 ghế của Hạ nghị viện Anh. Quốc vụ khanh về Bắc Ireland là một chức vụ cấp nội các trong chính phủ của Anh. Bắc Ireland tạo thành một trong ba khu vực phạm vi quyền hạn tư pháp riêng biệt của Anh, song Tòa án Tối cao Anh là tòa án tối cao.

Theo Hiệp nghị Good Friday, hai chính phủ Anh và Ireland chấp thuận thành lập các thể chế toàn đảo và các lĩnh vực hợp tác. Hội đồng Bộ trưởng Bắc/Nam là một thể chế gồm bộ trưởng trong chính phủ của Ireland và cơ quan hành pháp của Bắc Ireland, nhằm đồng thuận về các chính sách toàn đảo. Hội nghị liên chính phủ Anh-Ireland cung cấp hợp tác giữa chính phủ Anh và Ireland trên toàn bộ các vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là Bắc Ireland. Trong bối cảnh Cộng hoà Ireland quan tâm đặc biệt về cai quản Bắc Ireland, các phiên họp “định kỳ và thường lệ” dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Ireland và Quốc vụ khanh về Bắc Ireland của Anh, liên quan đến các vấn đề không được phân quyền cho Bắc Ireland và các vấn đề toàn Ireland không được phân quyền. Hiệp hội Liên nghị viện Bắc/Nam là một diễn đàn cho toàn đảo, thể chế này không có quyền lực chính thức song hoạt động nhằm thảo luận các vấn đề cùng quan tâm giữa các cơ quan lập pháp tương ứng.

Địa lý

Đảo Ireland nằm tại phía tây bắc của châu Âu, giữa vĩ tuyến 51° và 56° Bắc, giữa kinh tuyến 11° và 5° Tây. Đảo Ireland tách biệt với đảo Anh qua biển Ireland và eo biển Bắc có chiều rộng hẹp nhất là 23 km. Phía tây đảo là Đại Tây Dương, phía nam đảo là biển Celtic. Đảo Ireland có tổng diện tích là 84.421 km². Đảo Ireland và đảo Anh cùng nhiều đảo nhỏ xung quanh được gọi chung là quần đảo Anh.

Giới thiệu nước Ireland

Khí hậu

Thảm thực vật tươi tốt trên đảo là do khí hậu ôn hòa và thường xuyên có mưa. Về tổng thể, Ireland có khí hậu đại dương ôn hòa song dễ thay đổi với ít cực độ. Khí hậu mang đặc trưng hải đảo và điều độ, tránh được các cực độ về nhiệt độ như nhiều khu vực cùng vĩ độ trên thế giới. Đây là kết quả của gió ẩm điều hòa thường xuất hiện từ Đại Tây Dương.

Mưa rơi suốt năm song về tổng thể là thấp, đặc biệt là tại miền đông. Miền tây có xu hướng mưa nhiều hơn về trung bình và hay gặp bão Đại Tây Dương, đặc biệt là vào cuối thu và đông. Chúng thỉnh thoảng đưa đến các trận gió có tính tàn phá và tổng lượng mưa cao hơn đến các khu vực này, cũng như đôi khi là tuyết và mưa đá. Khu vực phía bắc hạt Galway và phía đông hạt Mayo xảy ra nhiều sét nhất trên đảo, xuất hiện khoảng từ năm đến mười ngày mỗi năm. Munster tại phía nam có ít tuyết rơi nhất, còn Ulster tại phía bắc có tuyết rơi nhiều nhất.

Kinh tế

Dù hai chính thể trên đảo sử dụng hai đơn vị tiền tệ khác nhau (Euro và Bảng Anh), song hoạt động thương mại ngày càng gia tăng trên nền tảng toàn Ireland. Điều này được tạo thuận tiện do hai chính thể cùng là thành viên của Liên minh châu Âu có các yêu cầu trong giới kinh doanh và hoạch định chính sách về hình thành một “kinh tế toàn Ireland” để tận dụng lợi thế kinh tế quy mô và nâng cao tính cạnh tranh.

Bên dưới là so sánh GDP khu vực trên đảo Ireland.

Cộng hoà Ireland: Biên giới, Trung & TâyCộng hoà Ireland: Nam & ĐôngAnh Quốc: Bắc Ireland
30 tỷ euro142 tỷ euro (Dublin 72,4 tỷ euro)43.4 tỷ euro (Belfast 20,9 tỷ euro)
23.700 euro/người39.900 euro/người21.000 euro/người
Giới thiệu nước Ireland

Nhân khẩu

Tôn giáo lớn nhất trên đảo Ireland là Cơ Đốc giáo, giáo phái lớn nhất là Công giáo do có trên 73% cư dân trên đảo tin theo (khoảng 87% cư dân Cộng hoà Ireland). Hầu hết các cư dân còn lại là thành viên của các giáo phái Tin Lành (khoảng 48% cư dân Bắc Ireland). Giáo phái Tin Lành lớn nhất là Giáo hội Ireland của Anh giáo. Cộng đồng Hồi giáo đang phát triển tại Ireland, hầu hết là do nhập cư gần đây, với tỷ lệ tăng trưởng 50% tại Cộng hoà Ireland trong giai đoạn 2006-2011. Khoảng 4% dân số Cộng hoà Ireland và khoảng 14% dân số Bắc Ireland tự nhận là không theo tôn giáo. Trong một nghiên cứu vào năm 2010, 32% số người trả lời nói rằng họ tới buổi lễ tôn giáo trên một lần mỗi tuần.

Dân số Ireland gia tăng nhanh chóng từ thế kỷ XVI cho đến giữa thế kỷ XIX, bị gián đoạn một thời gian ngắn do nạn đói năm 1740-41 khiến gần 2/3 dân số trên đảo thiệt mạng. Dân số khôi phục và tăng cấp số nhân trong thế kỷ sau, song nạn đói trong thập niên 1840 khiến một triệu người thiệt mạng và buộc hơn một triệu người di cư ngay lập tức. Trong thế kỷ sau đó, dân số giảm còn hơn một nửa, trong khi vào thời gian này xu hướng chung của các quốc gia châu Âu là dân số tăng trung bình ba lần.

Ngôn ngữ

Hai ngôn ngữ chính tại Ireland là tiếng Ireland và tiếng Anh, chúng đều có đóng góp lớn cho văn học. Tiếng Ireland nay là ngôn ngữ thiểu số song vẫn có vị trí chính thức tại Cộng hoà Ireland, đây là tiếng mẹ đẻ của cư dân Ireland trong hơn hai nghìn năm. Ngôn ngữ Ireland có chữ viết sau khi đảo được Cơ Đốc giáo hóa vào thế kỷ V, ngôn ngữ này còn được truyền bá đến Scotland và đảo Man rồi tiến hóa thành tiếng Gael Scotland và tiếng Man. Tiếng Ireland bị suy thoái dưới thời Anh cai trị song vẫn là ngôn ngữ đa số cho đến đầu thế kỷ XIX và kể từ đó trở thành ngôn ngữ thiểu số, song các nỗ lực phục hồi đang tiếp tục trên toàn đảo.

Văn hóa

Văn hoá Ireland bao gồm yếu tố của văn hóa của các dân tộc cổ đại, ảnh hưởng văn hóa của di dân về sau và của truyền thông (chủ yếu là văn hóa Gael, Anh hoá, Mỹ hóa và các khía cạnh của văn hóa châu Âu rộng hơn). Về tổng quát, Ireland được nhìn nhận là một trong số các quốc gia Celt, cùng với Scotland, Wales, Cornwall, đảo Man và Bretagne. Sự kết hợp các ảnh hưởng văn hóa này có thể thấy được trong các thiết kế phức tạp có tên là đan xen kiểu Ireland hay trang trí dây bện Celt. Có thể trông thấy chúng trong cách trang trí các công trình Trung Cổ và thế tục. Phong cách này hiện vẫn phổ biến trong nghệ thuật kim cương và tạo hình, cũng như là phong cách đặc trưng trong âm nhạc và vũ đạo truyền thống Ireland, và trở thành chỉ dấu của văn hoá “Celt” hiện đại nói chung.

Tôn giáo giữ vai trò đáng kể trong sinh hoạt văn hóa trên đảo kể từ thời cổ đại (và từ khi xuất hiện các đồn điền trong thế kỷ XVII thì tập trung vào bản sắc và phân chia chính trị trên đảo). Di sản tiền Cơ Đốc của Ireland kết hợp cùng Giáo hội Celt sau khi có các đoàn truyền giáo của Thánh Patrick trong thế kỷ V. Các đoàn truyền giáo Ireland-Scotland có khởi đầu là tu sĩ người Ireland Columba, chúng giúp truyền bá mô hình Cơ Đốc giáo Ireland đến Anh và Francia ngoại giáo. Các đoàn truyền giáo này đưa ngôn ngữ thành văn đến cộng đồng mù chữ tại châu Âu trong Thời kỳ Đen tối sau khi La Mã sụp đổ, khiến Ireland giành được biệt hiệu là “đảo của các thánh và học giả”.

Bài viết liên quan